Tuesday 9 September 2014

Phòng bệnh lý bàn chân ở người tiểu đường

Người bị đái tháo đường nên tạo thói quen tự kiểm tra bàn chân mỗi ngày, rửa chân sạch sẽ, mang vớ, giữ gót chân không chai sần... 

·          

Hiểu đúng về căn bệnh tiểu đường, bệnh nhân sẽ biết cách chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa những biến chứng hay gặp nhất là bệnh lý bàn chân tiểu đường. Ảnh: News.

Kiểm soát lượng đường huyết, ăn uống hợp lý, duy trì hoạt động thể chất đều đặn là những nguyên tắc vàng giúp ngăn ngừa và trì hoãn bệnh lý bàn chân tiểu đường cũng như tim mạch, thận ở bệnh nhân đái tháo đường. Bên cạnh đó, cần tuân thủ lịch đo đường huyết định kỳ và kiểm tra các thông số huyết áp, cholesterol trong máu, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. 

Bệnh nhân tiểu đường cũng được khuyến cáo nên kiểm tra bàn chân mỗi ngày. Dù không thấy những dấu hiệu cụ thể như đổi màu, lở loét, sưng hay đau, bạn vẫn cần thường xuyên kiểm tra chân để kịp thời phát hiện những bất thường nếu có. Vấn đề vệ sinh cần được chú ý đặc biệt, nên rửa chân với nước ấm, không nóng hoặc lạnh quá, nên cắt móng chân mỗi tuần hoặc khi móng dài. 

Hãy giữ cho gót chân không bị chai hay đóng vảy sừng. Trong trường hợp phát hiện gót chai hoặc nhiều vảy sừng, nên hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để biết cách xử lý. Không nên quá lo lắng mà chà xát mạnh hay tự ý cắt da vảy sừng vùng gót chân dễ gây nhiễm trùng.

Dù ở trong nhà hay đi ra ngoài, bệnh nhân tiểu đường không nên để chân trần vì dễ gây tổn thương lòng bàn chân. Nên dùng vớ và giày, dép mềm. Khi ngồi hãy để thẳng chân, không để bị tắc mạch máu do gập gối quá lâu. Bên cạnh đó, cần duy trì hoạt động thể chất nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, bơi lội, tránh vận động gắng sức.

 

No comments:

Post a Comment