Wednesday 25 February 2015

Phát hiện sớm dị tật bàn chân bẹt ở trẻ

Quan niệm dân gian cho rằng, những ai có bàn chân bẹt, gan bàn chân phẳng lì là có số giàu sang, sung túc. Tuy nhiên, theo y học thì bàn chân có đặc điểm như trên thuộc dạng dị tật phổ biến của thế giới. Tật bàn chân bẹt có thể gây biến chứng đau, viêm hoặc thoái hóa khớp gối, gai gót chân, ảnh hưởng tới lưng, cổ.

Chân phẳng là sướng hay khổ?

Đưa con đến khám tại khoa cơ xương khớp, chị T.Trang (Tân Bình) chia sẻ, lúc cu Bin còn bé, thấy gan bàn chân con phẳng lì, bà ngoại khen cháu có đôi chân "quý tộc" và chắc chắn khi lớn lên cháu sẽ có cuộc sống sung túc. Tuy nhiên, khi con biết đi, chị Trang đã nhận thấy những dấu hiệu bất thường trong bước đi của con. Khi đi, cu Bin thường có hướng áp sát hai bàn chân vào phía trong, khiến bước đi của bé khó nhọc và trông có vẻ khềnh khàng. Đi khám bệnh, các bác sĩ cho biết cháu bị dị tật bàn chân bẹt.
Giải thích về tật bàn chân bẹt ở trẻ, TS.BS Wade Brackenbury - Giám đốc y khoa của Phòng khám chuyên khoa trị liệu thần kinh cột sống Hoa Kỳ (ACC) cho biết, có rất nhiều trẻ em ở châu Á và phương Tây bị hội chứng bàn chân bẹt. Đây là tật dị dạng do lòng bàn chân không có hình vòm như bình thường, cung dọc của bàn chân bị sụp xuống, toàn bộ gan chân tiếp xúc với mặt đất. Khi đi bàn chân có xu hướng áp sát vào bên trong hoặc bên ngoài, do bàn chân bị mất cân bằng.
Bàn chân bẹt có thể gây nên những cấu trúc bất thường ở ngón chân cái, tạo nên một cái bướu khiến cho ngón chân cái bị đẩy về phía ngón chân thứ 2. Việc ngón chân cái bị di lệch dần và sự hình thành của cái bướu có thể gây đau đớn. Nếu không chữa trị kịp thời, có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn cho bàn chân và đầu gối. 
Gai gót chân và viêm cân gan chân cũng được xem là hậu quả của dị tât bàn chân bẹt. Đau gót chân xuất hiện khi hai gót xoay xuống và làm rách cân gan chân, gây nên tình trạng viêm. Thông thường mảnh xương nhọn nhô ra ở gót chân gây ra triệu chứng đau. 
Chứng chân bẹt còn khiến cho các xương ở cẳng chân bị xoay trong lúc đi lại hoặc chạy. Điều này khiến cho các khớp đầu gối cũng bị xoay lệch và viêm, dẫn đến thoái hóa và viêm mãn tính. Hơn 80% các chứng đau nhức đầu gối có nguyên nhân do bàn chân bẹt hoặc bàn chân bị quay sấp. Tình trạng cẳng chân bị lệch do bàn chân bẹt và những vấn đề về bàn chân có thể ảnh hưởng tới lưng và thắt lưng.

Hãy quan sát đôi chân của con
Cha mẹ chưa thể nhận biết được tật bàn chân bẹt ở trẻ khi trẻ dưới 2 tuổi, vì lúc này hầu hết trẻ đều có bàn chân bẹt. Từ 3 tuổi trở đi, các vòm bàn chân bắt đầu được hình thành và ở giai đoạn này, trẻ đã biết đi, cha mẹ có thể quan sát và phát hiện dị tật bàn chân bẹt ở trẻ. Bị dị tật bàn chân bẹt, bàn chân trẻ thường có khuynh hướng áp cạnh trong của bàn chân xuống đất do tình trạng mất cân bằng . 
Đồng thời, nếu trẻ có bàn chân bẹt, cha mẹ có thể quan sát thấy góc cạnh mắt cá chân công khá nhiều khi trẻ đứng quay mặt lại với bạn. Trẻ có thể cảm thấy đau ở bàn chân, mắt cá hoặc đầu gối. Trẻ cũng có thể có những biểu hiện vụng về hoặc khó khăn đối với các môn thể thao.
Việc phát hiện sớm (khi trẻ trong giai đoạn từ 3-7 tuổi) và điều trị dị tật bàn chân bẹt bao giờ cũng hiệu quả hơn. Vì trẻ càng lớn, việc điều trị rất khó khăn.
Phương pháp điều trị bàn chân bẹt ở trẻ có thể là dùng dụng cụ chỉnh hình với đế bàn chân phù hợp, được thiết kế vừa khít với chân trẻ, đặt vào trong giày giúp điều chỉnh cấu trúc và chức năng của bàn chân.

Minh Phạm

No comments:

Post a Comment