Monday 4 August 2014

Thể thao với người bệnh đái tháo đường

Luyện tập thể thao thường xuyên, đúng cách là một trong những phương pháp nhằm hạn chế những biến chứng ở người bị bệnh đái tháo đường (tiểu đường). Tập luyện thường xuyên làm gia tăng nồng độ HDL (loại cholesterol tốt), gia tăng sự tiêu hao năng lượng, giúp giảm trọng lượng cơ thể ở bệnh nhân béo phì, giúp cơ thể tăng độ nhạy với insulin máu, nên nhu cầu insulin bổ sung hàng ngày có thể được giảm đi. Đây là tác dụng rất quan trọng với bệnh nhân đái tháo đường týp 2, vì tình trạng giảm độ nhạy với insulin là nguyên nhân chính gây tăng đường huyết ở người bệnh.

Đối với bệnh nhân đái tháo đường, tập thể dục thường xuyên còn làm giảm nguy cơ bị các biến chứng tim mạch. Theo một số nghiên cứu, tập thể dục có thể làm giảm đáng kể các loại mỡ máu có hại, tham gia gây xơ vữa động mạch như Triglyceride, LDL-Cholesterol, và làm tăng loại mỡ máu có lợi, hạn chế gây xơ vữa động mạch như HDL-Cholesterol. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả này, người bệnh cần tập luyện khá tích cực như chạy ít nhất 14,5-19km/tuần và tăng dần lên đến khoảng 64km/tuần. Tập luyện với cường độ nhẹ hơn sẽ ít hoặc không có tác dụng làm thay đổi các loại mỡ máu…

Tuy nhiên, việc luyện tập thể dục đối với người bệnh đái tháo đường còn phải đúng cách và cần lưu ý những tác hại có thể xảy ra. Thường gặp và nguy hiểm nhất là hiện tượng hạ đường máu quá thấp, xảy ra ở những bệnh nhân điều trị insulin hoặc dùng thuốc hạ đường máu loại sulfamide. Khi đó, người bệnh sẽ có các biểu hiện đói, run tay chân, vã mồ hôi hoặc hôn mê... giống như hạ đường máu do điều trị insulin hoặc thuốc sulfamide quá liều. Cơn hạ đường máu có thể xuất hiện ngay khi người bệnh đang tập, hoặc sau khi kết thúc bài tập. Tiếp đó là nguy cơ tăng các biến chứng tim mạch như gây cơn đau thắt ngực (do thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim), trong đó có những loại loạn nhịp nguy hiểm, nhồi máu cơ tim nặng có thể bị đột tử.

Bệnh nhân đái tháo đường nên tập thể dục thường xuyên để giảm nguy cơ bị các biến chứng tim mạch.

 

Sự tiêu hao năng lượng trong luyện tập làm mất thêm chất đạm qua nước tiểu và làm trầm trọng bệnh lý thận do đái tháo đường gây ra. Đối với những người bị thoái hóa khớp, việc tập luyện quá mức có thể làm tổn thương khớp. Những nguy cơ xảy ra là do người bệnh tập luyện quá mức sức khỏe của mình, trong số đó có người còn dùng quá liều thuốc hạ đường huyết hay ăn uống kiêng khem quá mức, dẫn đến cơ thể bị mất sức khi tập luyện. Một số người lại vận dụng một cách quá máy móc các bài tập, không kể lúc khỏe, lúc mệt.

Bài tập phù hợp nhất cho người đái tháo đường là đi bộ hàng ngày, vào buổi sáng và chiều mát, mỗi lần đi khoảng 30 phút. Nên đi với tốc độ 60 - 100 bước/ phút, đi từ từ, hít sâu mỗi lần ở nơi bằng phẳng, yên tĩnh, không khí trong lành. Chạy chậm cũng rất tốt cho người bệnh đái tháo đường. Trước khi chạy phải khởi động 3 - 5 phút với tốc độ 100 - 200m/ phút và chạy trong 10 phút là thích hợp nhất. Tư thế tốt nhất khi chạy là: hai tay nắm lại, cánh tay thả lỏng tự nhiên, chân không nhấc quá cao, trọng tâm cơ thể phải ổn định, bước chạy nhịp nhàng, tiếp đất bằng mũi bàn chân. Sau khi chạy phải làm vài động tác thư giãn. Người bị tiểu đường sức khỏe kém, lúc đầu phải tập những động tác nhẹ nhàng và tăng dần lên khi sức khỏe tăng lên. Cần căn cứ vào tình hình bệnh tật, sức khỏe, giới tính để lựa chọn những phương pháp thích hợp. Để có hứng thú tập thể dục đều đặn, các bệnh nhân nên chọn môn thể thao mà mình ưa thích và các môn thể thao theo nhóm có sự tham gia của cả những người thân trong gia đình hoặc bạn bè..

 

 

No comments:

Post a Comment